Hoạt động sự nghiệp

Kiên Giang: Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã ăn sâu bám rễ trong đời sống và trở thành
món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kiên Giang. (Ảnh: Internet)
(NTBD) – Sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Sở VHTTDL Kiên Giang đã bắt tay vào việc xây dựng đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang”.
Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang” được thực hiện trong hai năm (2015-2016) với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 900 triệu đồng.
Mục tiêu mà đề án hướng đến đó là, đề xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng, khả thi để bảo vệ, quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghệ thuật Đờn ca tài tử trong tỉnh phát triển, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của đất nước, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Hiện nay, đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang” đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp và đi đến thống nhất. Tin rằng, khi đề án này được phê duyệt sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ góp phần vào việc đưa nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất phương Nam mãi được thắp truyền và luôn chảy trong trái tim của những người dân trên mảnh đất Kiên Giang. Và như thế, Kiên Giang sẽ đồng hành cùng với 20 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Theo số liệu thống kê năm 2010, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có tổng số 1.707 nghệ nhân và 157 câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Kiên Giang không phải là “cái nôi” của Đờn ca tài tử, nhưng loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu bám rễ trong đời sống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Ở mỗi xã trong tỉnh đều thành lập được Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Mỗi khi ở địa phương có đám tiệc là mọi người tập hợp lại cùng “rao” những câu vọng cổ ngọt lịm, cùng ca những bài bản tài tử. Từ đây, có nhiều chất giọng hay được phát hiện và tạo điều kiện để phát triển tài năng.
 
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2014 - 2020)
1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ và cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
3. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn... để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.
4. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các “bài Tổ”, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trong cuộc sống đương đại.
5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức thường xuyên và định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ dưới nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
6. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử.
7. Tạo mọi điều kiện để nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ có nhiều cơ hội giao lưu, trình diễn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ ở các địa phương; định kỳ 3 năm một lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc.

BTV
 
 


Trang thông tin Điện tử Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 

Địa chỉ: Số 32 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội
Tel: (84-4) 3854 5348     Fax: (84-4) 3823 1222
Email: ntbd.bvhttdl@gmail.com
 
Phụ trách trang tin : Phó Cục trưởng Trần Hướng Dương
Ghi rõ nguồn khi phát lại thông tin từ website này.

Thư viện ảnh

Liên hệ & Góp ý